Lượt xem: 1095

Quan tâm giáo dục, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên để chiến thắng mọi cám dỗ trong tình hình hiện nay

Bản lĩnh và bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên là cơ sở tạo nên sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mọi cám dỗ để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Vì thế, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng là quan tâm giáo dục, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng.

 


Bế giảng lớp bồi dưỡng, cập nhập kiến thức cho cán bộ thuộc đối tượng 4. Ảnh minh họa

 

    Bản lĩnh là sự dũng cảm trong mỗi người, dám nghĩ, dám làm những gì mình cho là đúng, dám đối mặt với sự thật, không ngại thách thức và là một người có trách nhiệm. Người có bản lĩnh sẽ không ngại gian khổ, luôn sống có hoài bão, ước mơ và kiểm soát bản thân. Ngược lại, những người nhút nhát, dễ bỏ cuộc, sợ thất bại, khi gặp chút khó khăn thì hoang mang, nản chí, không dám theo đuổi những đam mê của mình - đó là người thiếu bản lĩnh. Cũng có người phải đối mặt với khó khăn và làm được một việc nào đó, nhưng do lợi ích cá nhân thúc đẩy hoặc do họ bị ép buộc phải làm thì đó cũng không phải người có bản lĩnh.

    Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý thì yêu cầu không chỉ có bản lĩnh mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đó là sự kiên định lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tích cực đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; không dao động trước mọi sự cám dỗ về vật chất, tiền, tình; dám thừa nhận và quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, sai lầm,... Theo Hồ Chí Minh, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên là sự thể hiện tính giai cấp, tính Đảng trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, luôn “nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”; là “phải quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân”.

    Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, người có bản lĩnh chính trị là người có lập trường, quan điểm chính trị vững vàng, không dao động trong bất cứ tình huống nào; luôn giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng; đồng thời, chủ động, tự giác cùng tập thể cấp ủy, chi bộ đấu tranh phòng, chống có hiệu quả chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, xét lại, giáo điều, bảo thủ, bè phái, lợi ích nhóm, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích quốc gia, dân tộc. Bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên còn biểu hiện ở ý chí quyết tâm và khát vọng xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, phồn vinh; ở tinh thần tự giác, nghiêm túc “tự soi”, quyết tâm “tự sửa” với thái độ thẳng thắn, trung thực, dũng cảm, nghiêm khắc với bản thân; có tinh thần sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

    Hiện nay, bên cạnh đa số cán bộ, đảng viên trung thành với Đảng, với Tổ quốc, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, trọn tình, trọn nghĩa với đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân, thì cũng có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả người có chức quyền trong cơ quan công quyền các cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những mức độ và biểu hiện khác nhau, như: Thiếu ý chí quyết tâm, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng dẫn đến lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động, lùi bước trước khó khăn; không có chính kiến rõ ràng, không trung thực trong thực thi công vụ; ngán ngại, thiếu khách quan, công tâm trong đấu tranh xây dựng nội bộ, trong tự phê bình và phê bình, "thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”; phai nhạt niềm tin, lý tưởng,... Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý năng lực hạn chế, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; tinh thần làm việc hời hợt, thụ động, trông chờ, dựa dẫm cấp trên... dẫn đến đùn đẩy, né tránh, không dám làm hay làm cầm chừng vì sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ ảnh hưởng đến sự tiến thân. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu bản lĩnh nhưng lại quan liêu, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm, tham nhũng, thậm chí có người vì lòng tham còn ra giá để "bán" cả lương tâm, lòng tự trọng, sự liêm chính của mình cho kẻ xấu... Tình hình này không những làm sai lệch, vi phạm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cản trở sự phát triển của đất nước, mà nghiêm trọng hơn là làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

    Các thế lực thù địch không bao giờ từ bỏ bản chất chống cộng, đang tìm mọi cách để phá hoại sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; ra sức chống phá Đảng, chia rẽ nội bộ Đảng hòng làm tan rã Đảng từ bên trong. Trong bối cảnh đó, nếu đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp không nâng cao sự kiên định, vững vàng về bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động, không trong sạch về đạo đức, lối sống thì khó đứng vững và đủ sức lãnh đạo cách mạng.

    Ở đời không ai là hoàn hảo, nhưng chúng ta có thể phấn đấu vươn lên để hoàn thiện bản thân. Bản lĩnh và bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên cũng vậy, không tự nhiên có, mà phải trải qua quá trình giáo dục, kiên trì rèn luyện và được thử thách trong thực tiễn công tác và cuộc sống. Do đó, để cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, cần quan tâm thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

    Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

    Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải ý thức được vai trò, tầm quan trọng của nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay, từ đó quan tâm giáo dục và có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc rèn luyện đạo đức, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, coi đây là vừa yêu cầu bức thiết vừa là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu trong lời nói và việc làm, cả trong trong thực thi công vụ và trong ứng xử hàng ngày. Khi bản lĩnh chính trị của người cán bộ, đảng viên được nâng cao sẽ góp phần đẩy lùi các nguy cơvà tiêu cựctrong Đảng, đồng thời nâng cao uy tín lãnh đạo của Đảng, củng cố vị trí, vai trò cầm quyền của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

    Hai là, coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, trong đó cần tập trung: Thứ nhất, nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nghiêm chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng và cập nhật kiến thức mớitheo quy định nhằm giúp cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, củng cố thế giới quan cách mạng và nhân sinh quan cộng sản - nhân tố quyết định nhân cách và bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên. Thứ hai, tăng cường giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để cán bộ, đảng viên nêu gương nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với hành động theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, mang lại kết quả cụ thể, thiết thực, giải quyết kịp thời những bức xúc từ thực tiễn cuộc sống để phục vụ ích nước, lợi dân.

    Bằng những việc làm nêu trên, chúng ta sẽ đào tạo, xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cách mạng, phong cách công tác, có khả năng “tự đề kháng”, “tự miễn dịch” với những cám dỗ tiêu cực từ cơ chế kinh tế thị trường, những thủ đoạn “diễn biến hoà bình” tinh vi của các thế lực thù địch, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công, góp phần làm trong sạch, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng trong tình hình hiện nay.

    Ba là, phát huy tính tích cực, tự giác rèn luyện bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên và tạo môi trường để cán bộ, đảng viên thử thách bản lĩnh chính trị.

    Đảng viên vừa là tấm gương, vừa là người trực tiếp giáo dục, hướng dẫn, vận động quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Để thực hiện được vai trò này,mỗi cán bộ, đảng viên phải phấn đấu tu tưỡng, rèn luyện bản thân để có bản lĩnh chính trị vững vàng và là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, trách nhiệm trong công việc, hết lòng, hết sức vì lợi ích của Đảng, của nhân dân. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác, phấn đấu vượt lên “cái tôi” của chính mình, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân; thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm và các quy định về trách nhiệm nêu gương. Nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác, nghiêm túc “tự soi, tự sửa” và nghiêm khắc với bản thân, với mọi cám dỗ, tiêu cực; xây dựng ý chí quyết tâm vươn tới cái thiện, cái cao đẹp; đồng thời, tích cực, chủ động đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, những việc làm tiêu cực. Bác Hồ đã dạy: "ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Chỉ có như vậy mới chứng minh được "lòng dạ trong sáng mãi" của cán bộ, đảng viên.

    Bốn là, để củng cố, khẳng định bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan mạnh dạn đưa cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên trẻ, cán bộ được quy hoạch ở vị trí cao hơn hoạt động trong môi trường có nhiều thử thách. Càng nhiều khó khăn, thử thách, có nhiều cám dỗ thì càng bộc lộ rõ bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên. Do đó, bên cạnh việc tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên rèn luyện trong môi trường có nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ về vật chất, tiền tài và danh vọng thì cấp ủy, tập thể lãnh đạo cũng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực thi công vụ của họ để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời, hạn chế những hậu quả do việc làm sai trái (nếu có) của cán bộ, đảng viên gây ra.

    Để có được một vị trí việc làm trong cơ quan nhà nước, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải phấn đấu rất nhiều, nhưng đánh mất nó thì chỉ trong vài phút. Giữ mình trước lòng tham, trước mọi cám dỗ có thể nói là sự đấu tranh thường trực trong mỗi cán bộ, đảng viên. Để làm được điều này, bên cạnh việc trau dồi kỹ năng, cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý phải bền bỉ rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi hoàn cảnh./.

Kiên Trung



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 54
  • Hôm nay: 6068
  • Trong tuần: 76,775
  • Tất cả: 11,800,095